Thời kỳ Nội chiến Frederick Douglass

Tiền chiến

Trong thời gian xảy ra cuộc nội chiến, Douglass là một trong số những người da đen nổi tiếng nhất xứ sở. Ông được biết đến nhiều nhờ những bài diễn thuyết của ông trình bày về điều kiện sống của người da đen cùng những vấn đề khác như nữ quyền. Với tài hùng biện, ông thu hút những đám đông ở mọi nơi ông đến. Ông còn được những nhà lãnh đạo Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan tiếp đón, điều này càng làm gia tăng uy tín của ông.

Tranh đấu cho giải phóng nô lệ và quyền bầu cử

Douglass, thập niên 1860.

Douglass cùng những người chủ trương bãi nô lập luận rằng bởi vì mục tiêu của cuộc nội chiến là chấm dứt chế độ nô lệ, người Mỹ gốc Phi nên được phép tham gia cuộc chiến giành sự tự do cho chính họ. Douglass trình bày quan điểm này trên mặt báo và trong các bài diễn văn. Douglass góp ý với Tổng thống Abraham Lincoln về cách đối xử với binh lính người da đen, rồi với Tổng thống Andrew Johnson về quyền bầu cử dành cho người da đen.

Bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ của Tổng thống Lincoln, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1863, công bố sự tự do cho tất cả nô lệ trên lãnh thổ do Liên minh miền Nam kiểm soát (nô lệ sống trong lãnh thổ Liên bang và các tiểu bang miền Bắc được tự do khi Tu chính án thứ 13 được chấp nhận ngày 6 tháng 12 năm 1865).[45] Douglass miêu tả tâm trạng những người đang mong đợi bản tuyên ngôn: "Như sấm sét đánh ngang bầu trời … chúng tôi chăm chú nhìn … ánh sáng nhập nhòa của những vì sao lúc rạng đông... chúng tôi ngóng chờ sự đoái nhậm dành cho những lời cầu nguyện khẩn thiết kéo dài hàng thế kỷ."[46]

Không ai có thể xích chân người khác mà cuối cùng không nhận ra rằng đầu bên kia sợi xích cũng buộc chặt vào cổ mình.

—Frederick Douglass, Diễn từ đọc tại Đại hội Dân quyền,
Washington D.C., 22 tháng 10 năm 1883.

Douglass ủng hộ ứng cử viên John C. Frémont trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1864. Ông thất vọng về Lincoln vì Tổng thống không chịu công khai ủng hộ quyền bầu cử cho người da đen đã được tự do. Douglass tin rằng từ khi người Mỹ gốc Phi chiến đấu trong cuộc Nội chiến, họ xứng đáng được đi bầu.[47]

Từ khi miền Bắc không còn bị buộc phải giao trả nô lệ trở về chủ cũ của họ ở miền Nam, Douglass quay sang tranh đấu giành quyền bình đẳng cho đồng bào ông. Cùng với Lincoln, ông lập kế hoạch đưa những nô lệ được giải phóng thoát khỏi miền Nam. Trong lúc chiến tranh, Douglass hỗ trợ cho Liên bang bằng cách tuyển mộ binh sĩ cho Trung đoàn 54 Bộ binh Massachusetts. Con trai ông, Charles Douglass, tham gia trung đoàn này, nhưng lại mắc bệnh trong phần lớn thời gian phục vụ,[16] còn Lewis Douglass chiến đấu ở mặt trận Fort Wagner,[48] một con trai khác của ông, Frederick Douglass, Jr., được giao nhiệm vụ tuyển quân.

Sau khi Lincoln bị ám sát

Tượng đài Giải phóng Nô lệ.

Sau khi kết thúc cuộc nội chiến, Tu chính án thứ 13 được thông qua đặt chế độ nô lệ ngoài vòng pháp luật. Tu chính án thứ 14 cung cấp quyền công dân và sự bảo vệ bình đẳng cho mọi người dưới pháp luật. Tu chính án thứ 15 bảo vệ mọi công dân khỏi bị kỳ thị vì lý do chủng tộc trong bầu cử.[49]

Ngày 14 tháng 4 năm 1876, Douglass trình bày bài diễn văn quan trọng tại lễ khánh thành Tượng đài Giải phóng Nô lệ trong Công viên Lincoln ở Washington. Douglass đưa ra những nhận xét thẳng thắn về vị tổng thống quá cố, cả những điều tích cực lẫn tiêu cực. Gọi Lincoln là "tổng thống của người da trắng", Douglass chỉ trích Lincoln vì thái độ chần chừ đối với cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ, lại ghi nhận rằng mặc dù Lincoln chống đối việc mở rộng chế độ nô lệ, trong giai đoạn đầu ông vẫn không chịu ủng hộ việc loại bỏ chế độ nô lệ. Song, sau đó Douglass đặt câu hỏi, "Có người da màu nào, hay người da trắng nào có cảm tình với chủ trương dành tự do cho mọi người lại có thể quên được cái đêm ngay trước ngày đầu tiên của tháng 1 năm 1863, khi cả thế giới ngóng chờ xem Abraham Licoln có chịu thực hiện những điều ông đã hứa hay không?"[49] Douglass nói thêm, "Mặc dù Ông Lincoln chia sẻ với đồng bào da trắng của mình những định kiến chống lại người da đen, hầu như có thể nói rằng tự đáy lòng ông ấy khinh miệt và căm ghét chế độ nô lệ..."

Cử tọa, chịu cảm động bởi bài diễn văn, đã đứng lên hoan hô Douglass. Phu nhân cố tổng thống, Mary Todd Lincoln, tặng Douglass chiếc gậy đi đường của Lincoln để tỏ lòng ngưỡng mộ. Chiếc gậy ấy vẫn còn được lưu giữ ở Cedar Hill, nơi cư trú sau cùng của Douglass nay là Di tích Lịch sử Quốc gia Frederick Douglass.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Frederick Douglass //nla.gov.au/anbd.aut-an36750625 http://www.43places.com/places/view/3017188/freder... http://www.43places.com/places/view/3017189/freder... http://www.biography.com/people/frederick-douglass... http://www.cnn.com/2008/POLITICS/08/25/dems.conven... http://www.fdrccf.com/douglass.htm http://www.findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&G... http://www.findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&G... http://books.google.com/books/about/In_the_Words_o... http://books.google.com/books?id=-y0OAQAAMAAJ